Xây dựng thực đơn ăn dặm khoa học cho bé 6 tháng tuổi sẽ giúp trẻ bổ sung dưỡng chất đầy đủ và phát triển khỏe mạnh. Hội Đầu Bếp Á Âu chia sẻ thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi theo gợi ý của Viện Dinh Dưỡng để mẹ tham khảo nhé.
Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi kết hợp nhiều loại thực phẩm đa dạng
(Ảnh: Internet)
Thời điểm thích hợp cho bé ăn dặm
Việc xác định thời điểm thích hợp để bé tập ăn dặm là rất quan trọng. Không nên cho bé ăn dặm sớm từ tháng thứ 4 vì điều này sẽ ảnh hưởng hệ tiêu hóa, dạ dày và vị giác của bé. Tuy nhiên, cũng không nên cho bé ăn dặm quá muộn. Nếu bé không được tập ăn dặm đúng thời điểm, cơ hàm không phát triển tốt dẫn đến bé có khả năng bị rối loạn tiêu hóa và suy dinh dưỡng do thiếu chất.
Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, mẹ chỉ nên cho bé tập ăn dặm khi bé đã được 6 tháng tuổi. Năng lượng từ sữa mẹ chỉ đủ cung cấp khoảng 450kcal/ngày, trong khi bé 6 tháng tuổi cần đến 700kcal/ngày. Do đó, bé rất cần nguồn dưỡng chất và đặc biệt là chất sắt từ các bữa ăn dặm. Hệ tiêu hóa của bé cũng đã phát triển tương đối hoàn chỉnh để có thể hấp thu những thực phẩm đặc và phức tạp hơn sữa mẹ.
Bên cạnh đó, mẹ cũng nên quan sát những dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng để làm quen với việc ăn dặm là khi bú no sữa xong bé vẫn muốn bú thêm, bé có cảm giác thích thú, phấn khích khi nhìn người khác ăn, thích đưa tay với lấy thức ăn, nắm thức ăn muốn đưa vào miệng…
Nguyên tắc cho bé ăn dặm đúng cách
Nguyên tắc “ngọt tới mặn”
Ban đầu, mẹ nên cho bé ăn bột có vị ngọt, sữa công thức hoặc những món ăn dặm có mùi vị gần giống sữa mẹ. Bé sẽ quen dần với những thức ăn “mới lạ” và bắt đầu thích thú với việc ăn dặm. Khi bé đã cảm thấy hào hứng trong chuyện ăn dặm thì mẹ hãy chuyển sang bột mặn với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn.
Nguyên tắc “ít tới nhiều”
Nhằm giúp bé quen với việc tiêu hóa lượng thức ăn nạp vào cơ thể, khẩu phần ăn ban đầu nên được chia nhỏ rồi sau đó mới tăng dần đều. Khi mới tập ăn dặm, mẹ có thể cho bé ăn với lượng ít như ½ muỗng nhỏ, sau đó tăng dần lên 1 – 2 muỗng bột cháo, 1/3 chén rồi ½ chén cháo…
Nên tập cho bé ăn dặm với phần ăn ít rồi mới tăng dần lên (Ảnh: Internet)
Số bữa ăn dặm hợp lý là 2 bữa bột cháo/ ngày. Song song với việc ăn dặm, mẹ cũng nên duy trì cho bé uống sữa mẹ đến khi bé được 1 tuổi. Vì sữa mẹ vẫn luôn là nguồn cung cấp dưỡng chất, bổ sung các kháng thể giúp bé phát triển tốt nhất.
Nguyên tắc “loãng tới đặc”
Cháo ăn dặm phải được chế biến loãng trước, khi bé đã quen rồi mới tăng dần độ đặc lên. Mẹ cũng nên chú ý khi cho bé ăn dặm, không thêm những gia vị như nước mắm hay muối vì hệ bài tiết của bé còn rất yếu, nếu ăn quá mặn bé sẽ sớm mắc các bệnh về thận. Để nguội thức ăn đến khi chỉ còn âm ấm mới cho bé ăn cũng là một lưu ý quan trọng để bảo vệ hệ tiêu hóa non yếu của trẻ.
Nguyên tắc “tô màu”
Một bát bột ăn dặm của bé phải có đa dạng màu sắc như màu xanh của rau, màu đỏ của củ, màu trắng của bột gạo, màu vàng, cam của các loại trái cây,… nhằm đảm bảo những dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của bé. Mỗi bữa ăn của bé phải cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất quan trọng là chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm, đậu nành…), chất béo (dầu thực vật, mỡ, bơ, phô mai…), chất bột đường (gạo, bột mì, khoai..), vitamin và chất xơ (rau củ, trái cây tươi).
Mỗi bữa ăn của bé phải cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất quan trọng (Ảnh: Internet)
Bé 6 – 8 tháng tuổi chưa phát triển răng nên khi thức ăn phải được nghiền, dằm nhuyễn mịn để bé nuốt dễ dàng. Bạn cũng nên cân đối và phối hợp các nhóm thức ăn để bé được bổ sung dưỡng chất đầy đủ, đặc biệt lưu ý bổ sung chất sắt cho trẻ vì đây là giai đoạn phát triển rất quan trọng.
Nguyên tắc “không ép trẻ ăn”
Để hệ tiêu hóa của bé hoạt động khỏe mạnh, mẹ nên lập thời gian biểu và cho bé ăn đúng giờ. Các bữa ăn dặm cách nhau ít nhất 2 tiếng để bé có thời gian tiêu hóa thức ăn. Nếu bé không muốn ăn hoặc tỏ ra phản đối việc ăn dặm, mẹ có thể tạm ngưng trong khoảng vài ngày rồi sau đó cho trẻ tập ăn dặm tiếp, như vậy trẻ sẽ không bị căng thẳng và bài xích việc ăn dặm. Quá trình tập cho bé ăn dặm phải thật sự kiên nhẫn, các mẹ không nên thấy bé biếng ăn mà cố ép bé ăn nhiều, như vậy sẽ gây tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ.
Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng theo gợi ý của Viện Dinh Dưỡng
Để làm bột ăn dặm cho bé, mẹ pha bột loãng theo tỉ lệ 5g bột: 100ml nước, kết hợp cùng với các loại thực phẩm khác. Nếu mẹ vẫn chưa biết nên kết hợp nguyên liệu thế nào thì có thể tham khảo một số thực đơn ăn dặm theo gợi ý của Viện Dinh dưỡng sau đây.
Bột yến mạch sữa
Cho 50g yến mạch vào 1 bát nước, đun trên bếp và khuấy đều đến khi yến mạch nở ra, thêm vào 2 muỗng sữa rồi khuấy tiếp trong 1 phút. Đến khi bột sôi lại thì mẹ cho vào 1 muỗng dầu ăn hoặc bơ để món ăn có chất béo, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho bé.
Bột yến mạch sữa (Ảnh: Internet)
Bột đậu xanh và bí đỏ
Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành từng miếng nhỏ rồi luộc đến khi chín mềm. Sau đó dùng muỗng nghiền bí đỏ qua rây lọc để loại bỏ phần xơ. Cho 1 bát nước vào nồi, tiếp đến cho 3 muỗng bột gạo, 2 muỗng bột đậu xanh vào khuấy đều.
Khi bột sôi, mẹ cho 4 muỗng bí đỏ đã nghiền nhuyễn mịn vào rồi khuấy đến khi bột sôi trở lại và chín hoàn toàn. Tắt bếp, trong khi để bột nguội thì mẹ cho vào 1 muỗng dầu ăn để bổ sung chất béo cho bé. Bột nguội đến 40 độ thì bé có thể ăn được rồi.
Bột đậu xanh và bí đỏ (Ảnh: Internet)
Bột thịt heo và rau ngót
Cho 1 bát nước, 4 muỗng bột gạo, 2 muỗng thịt nạc xay nhuyễn vào nồi, bắc lên bếp và khuấy đều tay đến khi bột sôi thì cho 1 muỗng rau ngót xay nhuyễn vào. Nấu đến khi bột sôi lại thì cho vào 1 muỗng dầu ăn. Nếu cho mỡ thì mẹ nên cho vào trong quá trình nấu bột.
Bột thịt heo và rau ngót (Ảnh: Internet)
Bột cá và cà rốt
Cá sau khi sơ chế thì đem hấp chín, lọc xương rồi giã nhuyễn mịn. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ rồi nghiền qua rây lọc. Mẹ cho cà rốt và 2 muỗng cá vào nồi, thêm 4 muỗng bột gạo và 1 bát nước, khuấy đều đến khi bột sôi lại thì tắt bếp, thêm 1 muỗng dầu ăn vào bột. Đợi bột nguội đến khi còn âm ấm thì mẹ cho bé ăn nhé.
Bột cá và cà rốt (Ảnh: Internet)
Bột sữa đậu nành và rau xanh
Bắc nồi lên bếp, cho vào 1 bát sữa đậu nành, khuấy đều với 2 muỗng bột gạo và 1 muỗng đường. Sau khi bột sôi thì cho vào 1 muỗng rau giã nhuyễn và tiếp tục khuấy đều đến khi bột sôi lại thì tắt bếp. Mẹ nhớ để bột nguội rồi mới cho bé ăn nhé.
Bột sữa đậu nành và rau xanh (Ảnh: Internet)
Bột cải ngọt và đậu phụ non
Cải ngọt rửa sạch, luộc chín mềm rồi nghiền nhỏ qua rây lọc. Đậu phụ non trụng qua nước sôi rồi nghiền nhuyễn mịn. Trộn đều hỗn hợp đậu phụ non và rau, cho vào 2 muỗng bột gạo, 1 bát nước rồi bắc lên bếp nấu chín. Mẹ nhớ thêm 1 muỗng dầu ăn để bữa ăn dặm của bé có đủ chất béo nhé.
Bột cải ngọt và đậu phụ non (Ảnh: Internet)
Trên đây là những chia sẻ hữu ích về thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng giúp bé hoàn thiện trí não và phát triển thể chất. Cùng bắt tay vào chuẩn bị những bữa ăn dặm thơm ngon, bổ dưỡng cho bé yêu thôi! Hy vọng qua bài viết của Hội Đầu Bếp Á Âu, mẹ đã có được những thông tin hữu ích trong quá trình cùng bé tập ăn dặm.
Ý kiến của bạn