Được sách Guinness Việt Nam công nhận là “Người làm nhiều nghề nhất”, bà Tôn Nữ Thị Hà đã làm 16 nghề khác nhau như: Nấu ăn, trồng cây kiểng, ngành y, nhiếp ảnh, vẽ chân dung, đúc chậu, dạy nghề đầu bếp, phiên dịch, pha rượu, làm bánh mứt… Thế nhưng nấu ăn vẫn là nghề được xem là thành công nhất của bà.
Tiểu Sử nghệ nhân ẩm thực Tôn Nữ Thị Hà
Bà Tôn Nữ Thị Hà sinh năm 1943, người gốc Huế. Nổi tiếng là truyền nhân duy nhất của ẩm thực cung đình Huế, chế biến nhiều món ăn đặc sắc, bà được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ. Với sự cố gắng giữ gìn và quảng bá nền ẩm thực cố đô đến nhiều nơi trên thế giới, bà đã được vinh danh là nghệ nhân ẩm thực hàng đầu Việt Nam cùng nghệ nhân Bùi Thị Sương, Phạm Ánh Tuyết tại lễ tôn vinh các Danh hiệu Du lịch năm 2017 diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội VITM.
Nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà là người phụ nữ đa tài (Ảnh: Internet)
Con đường nghệ thuật Ẩm Thực
Ngay từ nhỏ, bà Tôn Nữ Thị Hà đã được tiếp cận với nền ẩm thực cố đô. Bà được cô ruột là phu nhân quan Thượng thư dạy cho kỹ thuật nấu ăn cung đình. Trải qua thời gian, nấu ăn dần trở thành niềm đam mê mãnh liệt trong người bà. Chia sẻ với báo Nhân Dân, bà cho biết: “Nấu ăn với tôi là đam mê, tôi ý thức được mình còn lưu giữ được nhiều bí quyết ẩm thực truyền thống và tôi tự hào được là người phụ nữ truyền thống cả ở về hình thức lẫn trong suy nghĩ”.
Với bà, ẩm thực là cả đam mê vì vậy bà luôn chỉn chu trong từng công đoạn chế biến khi đứng trong bếp. “Như khi nấu một món ăn, nước vừa sôi lên là nêm, sôi lên tí nữa là nêm, tắt lửa nêm lại, bày ra đĩa nêm thêm một lần nữa. Tôi cảm nhận bằng đam mê trong mỗi lần nêm. Tất cả cũng là đam mê thôi”, bà chia sẻ thêm về đam mê nấu nướng.
Cống hiến vì ẩm thực
Bà Tôn Nữ Thị Hà được nhiều trường đại học du lịch tại Tây Ban Nha, Pháp, Iraq… mời sang giảng dạy cách chế biến những món ăn cung đình Huế. Bà đã làm giám khảo của nhiều cuộc thi nấu ăn trong và ngoài nước. Bà cũng là người sở hữu hơn 20 đầu sách dạy nấu ăn được Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, các trường đại học Nhật Bản, Trung Quốc… dùng làm tài liệu giảng dạy.
Không chỉ thế, bà mở nhà hàng Tịnh Gia Viên nhằm mục đích lưu giữ ẩm thực cung đình Huế. Tại đây, thực khách sẽ được thưởng thức món ăn theo đúng một buổi “dạ tiệc cung đình” giữa khung cảnh trang trí theo phong cách cung đình. Không dừng lại ở đó, bà Tôn Nữ Thị Hà dự định sẽ mở rộng nhà hàng Tịnh Gia Viên 2, thành lập ba trường dạy học gồm: trường Nghệ thuật ẩm thực, trường Chăm sóc cây cảnh và trường Nghệ thuật chăm sóc con người…
Bà cũng là người gắn bó với công việc giảng dạy ẩm thực nhiều năm liền (Ảnh: Internet)
Quảng bá ẩm thực cung đình Huế
Qua nhiều năm gắn với công việc nấu nướng, bà Tôn Nữ Thị Hà cho biết ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực cố đô Huế được thực khách nước ngoài đánh giá cao ở hương vị lẫn cách trình bày, trang trí bắt mắt. Trong những chuyến đi nước ngoài của mình, bao giờ bà cũng giới thiệu về ẩm thực Huế với bạn bè quốc tế.
Bà nhớ mãi về kỉ niệm về bữa tiệc hơn 200 khách tổ chức tại một Khách sạn ở Tây Ban Nha nơi bà sang giảng dạy. Bà kể lại: “Hôm đó chủ Khách sạn nhờ tôi làm vài món ăn Việt Nam theo yêu cầu của khách. Những món ăn Việt Nam ấn tượng với thực khách đến mức kết thúc bữa tiệc, hàng chục vị khách nán lại đòi gặp bằng được những người Nấu ăn chỉ để bắt tay và nhắc đi nhắc lại một câu “Việt Nam””.
Có lẽ, niềm hạnh phúc với bà là bảo tồn, lưu giữ văn hóa ẩm thực Huế theo thời gian cũng như ẩm thực Việt Nam vang danh khắp năm châu. Như lời thực khách khi thưởng thức món ăn của bà đã từng thốt lên: “Đến khi thưởng thức những món ăn này, tôi mới hiểu rằng trước đây người Pháp đã không hiểu gì về sức mạnh Văn hóa Việt Nam”.
Ý kiến của bạn